Giỏ hàng

BÁNH QUY NHÂN SOCOLA TƯƠI

Nguyên liệu (Cho khoảng 8 – 9 bánh kích thước 7x4cm)

A. Phần nhân chocolate (cho khuôn vuông 16 – 18cm):

  • 100 gram chocolate nguyên chất 72% cacao, băm nhỏ
  • 100 gram kem tươi (whipping cream)
  • 20 gram bơ động vật không muối
  • ½ thìa cafe rượu ruhm hoặc tinh chất vani (không bắt buộc)

* Dùng khuôn 16cm thì phần nhân sẽ khá dày, nếu chỉ thích 1 lớp nhân mỏng thì dùng khuôn 18cm

B. Phần bánh quy chocolate (cho khoảng 16 – 18 bánh):

  • 90 gram bơ nhạt, để ở nhiệt độ phòng tới khi bơ mềm nhưng không chảy nước
  • 30 gram đường nâu Hàn Quốc
  • 40 gram đường vàng
  • 25 gram trứng gà (đánh tan 1 quả và cân lấy 25 gram)
  • ½ thìa cafe tinh chất vani
  • 1 nhúm nhỏ muối
  • 25 gram bột hạnh nhân
  • 170 gram bột mì
  • 7 gram bột cacao nguyên chất không đường
  • 4 gram bột cà phê đen nguyên chất hòa tan (không bắt buộc)

Lưu ý về nguyên liệu:

– Bơ nhạt dùng bơ động vật không muối, KHÔNG dùng bơ thực vật (magarine) như Tường An hay Meizan.

– Nếu không có 1 trong 2 loại đường nâu hoặc đường vàng có thể thay toàn bộ bằng loại đường mà bạn có. Tuy nhiên nên làm đúng theo công thức để bánh có vị chocolate ngon nhất.

– Bột cafe không bắt buộc nhưng cafe rất hợp với chocolate. Nên chọn loại bột cà phê đen hòa tan nguyên chất không đường. Thường tụi mình sử dụng loại bột cà phê đen của G7, mỗi gói 2 gram. 

– Nếu không sử dụng rượu ruhm ở phần nhân bánh, có thể thay thế bằng vanilla lượng tương đương.

– Chocolate sử dụng trong công thức là loại chocolate nguyên chất 72% cacao, dùng chocolate càng ngon thì bánh càng ngon. 72% là loại chocolate khá đắng, bạn có thể dùng loại 65, 55% cacao. Tuy nhiên cần lưu ý % cacao càng thấp thì sẽ càng khó xử lý, thành phẩm sẽ nhanh bị mềm ở nhiệt độ phòng. 

Cách làm

A. Phần nhân socola tươi (làm trước 1 ngày):

1. Lót giấy nến vào lòng khuôn sao cho giấy nến cao bằng hoặc hơn thành khuôn 1 chút (để khi lấy ra dễ hơn). Cho chocolate băm nhỏ vào bát.

2. Cho whipping cream và bơ vào nồi, đun ở lửa nhỏ nhất, vừa đun vừa khuấy đều tới cho đến khi bơ tan hết, hỗn hợp nóng lên ở khoảng 35-37 độ thì tắt bếp. Đổ phần kem vào âu chocolate trộn đều cho chocolate tan từ từ.

3. Khi bát chocolate hạ nhiêt và chocolate không thể tan được nữa, đặt bát chocolate cách thủy trên nồi nước ấm (không được sôi) để cho chocolate tiếp tục tan ra. Trong quá trình này cần đảm bảo nhiệt độ bát chocolate luôn dưới 40 độ, tốt nhất là ở trong khoảng 35-37 độ. Nếu thấy có dấu hiệu tăng nhiệt cần nhấc ngay bát chocolate ra và quấy ở bên ngoài.

Lặp lại thao tác này đến khi chocolate tan hết. Cho vani hoặc rượu Ruhm vào trộn đều.

*Lưu ý về nhiệt độ: 

Lý do cần kiểm soát nhiệt độ chảy của chocolate ở dưới 40 độ C là để sau khi đông lại, chocolate sẽ có độ cứng tốt, có thể để ở nhiệt độ phòng mát mà không bị chảy. Nếu làm chảy chocolate trên nhiệt quá cao thì sẽ luôn cần bảo quản ở trong tủ lạnh để chocolate không bị chảy.

Nếu thấy phần này quá phức tạp, có thể sử dụng chocolate compound (thành phần 

không có bơ cacao) thì không cần đảm bảo nhiệt độ nhân vẫn có độ cứng tốt nhưng vị sẽ bị ngọt quá và kém ngon hơn.

4. Đổ phần nhân chocolate vào khuôn đã chuẩn bị sẵn, dàn phẳng và để lạnh ít nhất 8 giờ cho hỗn hợp đông lại và ổn định hoàn toàn.

B. Phần bánh quy:

1. Bơ để mềm ở nhiệt độ phòng. Dùng phới dẹt miết đều cho bơ thật mịn.

2. Cho đường và muối và âu bơ, tiếp tục trộn bằng phới tới khi bơ và đường hòa quyện.

*Lưu ý: Chỉ trộn tới khi vừa hòa quyện, không đánh bông bơ bằng máy hay trộn quá nhiều làm bơ bông xốp chuyển màu. Đánh bơ quá nhiều sẽ khiến bánh bị nở và mất nét khi nướng.

3. Cho trứng và chiết xuất vani vào, trộn tới khi vừa hòa quyện thì dừng lại. 

4. Trộn đều bột hạnh nhân, bột cacao, cà phê và bột mì, rây bột vào âu bơ, trộn tới khi bột gần như hòa quyện. Đeo găng tay nilon, bóp và nhào nhẹ nhàng khối bột cho đều hơn.

Bột trộn xong khô ráo có thể vo thành viên mà không chảy nhão, tuy nhiên vẫn mềm dẻo, ấn tay vào không bị nứt bở. Nếu bột bị nứt/bở là bột bị khô quá. Để hạn chế tình trạng này, bạn có thể bớt lại 10 gram bột mì, sau khi trộn nếu thấy khối bội ướt quá thì trộn thêm. Nếu rơi vào trường hợp bột khô, bạn đánh tan 1 lòng đỏ trứng, cho thêm từng chút 1 vào, bóp đều cho bột mềm hơn nhé. 

5. Cán mỏng bột giữa 2 tờ giấy nến để chống dính, gập mép tờ giấy sao cho được hình chữ nhật kích thước khoảng 15×20. Cán bột mỏng trong khoảng hình chữ nhật sẽ cho khối bột phẳng mỏng 0,3 -0,4mm. Cất ngăn đá tủ lạnh khoảng 30 phút đến khi cứng hẳn lại.

6. Sau khi phần bột đã đủ lạnh, lấy ra cắt hình theo ý thích. Các phần bột thừa có thể bóp đều, cán mỏng và tiếp tục thao tác như bình thường.

7. Chuyển bột ra khay, nướng ở 180 độ khoảng 10-12 phút (làm nóng lò trước ít nhất 20 phút). Lấy bánh ra để nguội. Hạ nhiệt lò, sấy 100 độ 30-40 phút cho bánh khô ráo hoàn toàn và giòn lâu hơn.

8. Sau khi sấy bánh để nguội hẳn. Cắt nhân vừa theo hình của bánh rồi kẹp vào giữa.

Bảo quản: Với thời tiết dưới 22 độ C, có thể để bánh ở nhiệt độ phòng mà nhân chocolate không bị chảy. Tuy nhiên, cần bảo quản bánh trong tủ lạnh vì thành phần nhân bánh có nhiều kem sữa, dễ bị hỏng. Bánh bảo quản trong tủ lạnh được 2 – 3 tuần, tuy nhiên nên ăn sớm vì để càng lâu bánh quy sẽ càng ỉu do hút ẩm từ nhân bánh.

 

Chúc bạn thành công!

Credit by: savourydays.com

Danh mục tin tức

Từ khóa

1800 1296